Trước khi đi vào trả lời câu hỏi này, các bạn hãy cùng tôi tham khảo Điểm c Khoản 1 Điều 37 Nghị định 109/2016/NĐ-CP của Chính phủ : Quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh về các yêu cầu đối với nhân sự dưới đây
Điều 37. Điều kiện hoạt động đối với cơ sở dịch vụ thẩm mỹ
1. Cơ sở dịch vụ thẩm mỹ chỉ được thực hiện các hoạt động xăm, phun, thêu trên da, không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm và phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
c) Nhân sự:
Người thực hiện xăm, phun, thêu trên da không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm tại cơ sở dịch vụ thẩm mỹ phải có giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ đào tạo, dạy nghề về phun, xăm, thêu trên da do cơ sở đào tạo hoặc dạy nghề hợp pháp cấp.
Theo như trích dẫn ở trên chúng ta có thể thấy để có thể hành nghề phun thêu thẩm mỹ, chúng ta sẽ cần phải có chứng nhận hoặc chứng chỉ đào tạo hợp pháp hay nói nôm na là một chứng chỉ liên quan đến phun thêu thẩm mỹ được nhà nước công nhận.
Trước đây, khi làm đẹp nói chung và phun thêu nói riêng vẫn còn là những ngành nghề khá mới lạ, chưa được nhà nước công nhận do đó chưa có luật điều chỉnh. Tất cả những gì mà chúng ta cần làm trước đây đó là học lấy một chút nghề, ra Sở kế hoạch đầu tư để đăng ký kinh doanh là đã có thể bắt đầu hành nghề rồi.
Tuy nhiên, bắt đầu từ cuối năm 2017, nhận thấy sự phát triển của xã hội và đi kèm theo đó chính là nhu cầu ngày càng cao của người dân về việc chăm sóc sức khỏe và làm đẹp, Nhà nước đã dành nhiều sự quan tâm của mình đến ngành nghề này và đưa ra các bộ luật để điều chỉnh.
Chính vì vậy mà để có thể tự tin đi xin việc hay mở các salon chăm sóc sắc đẹp thì việc có trong tay chứng chỉ sơ cấp là điều thiết yếu. Đặc biệt là với những bạn có ý định mở salon thì việc chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ hợp pháp để hoạt động càng quan trọng hơn.
Tuy nhiên, do chứng chỉ sơ cấp nghề vẫn còn là một khái niệm khá mới lạ đối với đại đa số người học nghề, chính vì vậy mà nhiều trung tâm dạy nghề đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người học mà đưa ra những thông tin sai lệch, không chính xác nhằm thu lợi cho bản thân. Phần tiếp theo của bài viết sẽ cung cấp những thông tin cơ bản nhất về chứng chỉ sơ cấp nghề để người học có thể tự mình tìm hiểu và lựa chọn được trung tâm dạy nghề phù hợp, uy tín giữa ma trận thị trường làm đẹp hiện nay.
Đơn vị cấp chứng chỉ sơ cấp
Hiện nay, có thể thấy rất nhiều các trung tâm đào tạo làm đẹp đang giới thiệu với người đăng ký rằng sau khi học họ sẽ nhận được chứng chỉ sơ cấp nghề do Sở lao động thương binh và xã hội cấp hay Tổng cục dạy nghề cấp. Tuy nhiên, điều này là hoàn toàn không chính xác.
Trên thực tế, Sở lao động thương binh và xã hội chỉ theo dõi, quản lý các cơ sở đủ điều kiện tổ chức giảng dạy và cấp chứng chỉ sơ cấp nghề chứ không hề tham gia vào việc cấp chứng chỉ còn người đại diện cho cơ sở đào tạo mới là người có thẩm quyền cấp chứng chỉ sơ cấp nghề.
Điều này đã được chỉ rõ trong Khoản 1, Điều 20 Nghị định 139/2006/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục và Bộ luật Lao động về dạy nghề
Điều 20. Thẩm quyền cấp bằng, chứng chỉ nghề
- Chứng chỉ nghề do giám đốc trung tâm dạy nghề; hiệu trưởng trường trung cấp nghề; hiệu trưởng trường cao đẳng nghề; người đứng đầu doanh nghiệp và cơ sở giáo dục khác đã đăng ký hoạt động dạy trình độ sơ cấp nghề cấp.
Một ví dụ cụ thể cho việc này đó chính là bằng cao đẳng hay cử nhân đại học mà chúng ta vẫn thường thấy. Tất cả các văn bằng kể trên đều được cấp bởi các trường mà bạn theo học chứ không phải được cấp bởi Bộ giáo dục và đào tạo.
Mẫu chứng chỉ sơ cấp
Về mẫu chứng chỉ sơ cấp đã được Bộ lao động – Thương binh và Xã hội quy định tại Điều 28 Chương VII Thông tư 42/2015/TT-BLĐTBXH Quy định về đào tạo trình độ sơ cấp và sửa đổi trong Thông tư 34/2018/TT- BLĐTBXH như sau:
Điều 28. Mẫu chứng chỉ sơ cấp
Chứng chỉ sơ cấp được in hai mặt gồm 04 trang, mỗi trang có kích thước 190 mm x 135 mm, chữ in trên chứng chỉ sơ cấp dùng phông chữ Times New Roman. Mặt trước gồm trang 1 và trang 4 có nền màu đỏ cờ hoặc màu đỏ huyết dụ; mặt sau gồm trang 2 và trang 3 có nền màu vàng, hoa văn viền màu vàng đậm.
Nội dung in trên trang 1: Quốc hiệu bao gồm 2 dòng chữ “CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM” và “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc” được đặt canh giữa, cách nhau dòng đơn; dòng chữ “CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM” cách mép trên 10 mm, trình bày bằng chữ in hoa, cỡ chữ 13, kiểu chữ đứng, đậm; dòng thứ hai “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc” được trình bày bằng chữ in thường, cỡ chữ 14, kiểu chữ đứng, đậm; chữ cái đầu của các cụm từ được viết hoa, giữa các cụm từ có gạch nối, có cách chữ; phía dưới có đường kẻ ngang, nét liền, có độ dài bằng độ dài của dòng chữ (sử dụng lệnh Draw, không dùng lệnh Underline). Quốc huy hình tròn đường kính 45 mm, tâm cách mép trên 62 mm, được đặt canh giữa. Dòng chữ “CHỨNG CHỈ SƠ CẤP” cách mép dưới 80 mm, trình bày bằng chữ in hoa, cỡ chữ 20, kiểu chữ đứng, đậm, đặt canh giữa. Các chữ in trên trang 1 có màu vàng.
Nội dung in trên trang 2: hình trống đồng in chìm chính giữa có màu vàng nhạt, đường kính 110 mm. Quốc hiệu bao gồm 2 dòng chữ “SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM” và “Independence – Freedom – Happiness” được đặt canh giữa, chữ màu đen, cách nhau dòng đơn; dòng chữ “SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM” cách mép trên 10 mm, trình bày bằng chữ in hoa, cỡ chữ 12, kiểu chữ đứng, đậm; dòng thứ hai “Independence – Freedom – Happiness” được trình bày bằng chữ in thường, cỡ chữ 13, kiểu chữ đứng, đậm; chữ cái đầu của các cụm từ được viết hoa, giữa các cụm từ có gạch nối, có cách chữ; phía dưới có đường kẻ ngang, nét liền, có độ dài bằng độ dài của dòng chữ (sử dụng lệnh Draw, không dùng lệnh Underline). Cụm từ “has conferred” được trình bày bằng chữ màu đen, in thường, cỡ chữ 14, kiểu chữ đứng, đậm, đặt canh giữa. Cụm từ “CERTIFICATE” được trình bày bằng chữ màu đỏ, in hoa, cỡ chữ 16, kiểu chữ đứng, đậm, đặt canh giữa. Cụm từ “LEVEL … OF VQF” được trình bày bằng chữ màu đen, in hoa, cỡ chữ 14, kiểu chữ đứng, đậm, đặt canh giữa. Các nội dung khác ghi trên trang 2 được trình bày bằng chữ màu đen.
Nội dung in trên trang 3: Quốc huy hình tròn có đường kính 60 mm in chìm chính giữa. Quốc hiệu bao gồm 2 dòng chữ “CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM” và “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc” được đặt canh giữa, chữ màu đen, cách nhau dòng đơn; dòng chữ “CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM” cách mép trên 10 mm, được trình bày bằng chữ in hoa, cỡ chữ 12, kiểu chữ đứng, đậm; dòng thứ hai “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc” được trình bày bằng chữ in thường, cỡ chữ 13, kiểu chữ đứng, đậm; chữ cái đầu của các cụm từ được viết hoa, giữa các cụm từ có gạch nối, có cách chữ; phía dưới có đường kẻ ngang, nét liền, có độ dài bằng độ dài của dòng chữ (sử dụng lệnh Draw, không dùng lệnh Underline). Từ “cấp” được trình bày bằng chữ màu đen, in thường, cỡ chữ 14, kiểu chữ đứng, đậm, đặt canh giữa; cụm từ “CHỨNG CHỈ SƠ CẤP…” được trình bày bằng chữ màu đỏ, in hoa, cỡ chữ 16, kiểu chữ đứng, đậm, đặt canh giữa. Các nội dung khác ghi trên trang 3 được trình bày bằng chữ màu đen.
Nội dung in trên chứng chỉ chi tiết được thực hiện theo mẫu chứng chỉ sơ cấp quy định tại Phụ lục số 1 và mẫu bản sao chứng chỉ sơ cấp quy định tại Phụ lục số 2 ban hành kèm theo Thông tư này.
Tính hợp pháp của chứng chỉ sơ cấp nghề
Từ hai thông tin trên, người học nghề có thể tự bảo vệ bản thân trước ma trận thông tin sơ cấp mà các trung tâm đào tạo nghề đang đưa ra bằng hai phương pháp đơn giản sau:
- Kiểm tra mẫu chứng chỉ mà trung tâm đó cấp: Đây là cách đơn giản nhất để kiểm tra tính hợp pháp của chứng chỉ sơ cấp của trung tâm đó cấp. Bạn chỉ cần yêu cầu trung tâm cho mình xem trước mẫu chứng chỉ sơ cấp nghề mà họ cấp và đối chiếu nó với mẫu mà Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định. Nếu có sự khác biệt quá rõ ràng như về kích thước hay các nội dung trên đó thì các bạn không nên đăng ký học tại đây. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là kiểm tra về mặt hình thức bởi để có thể chắc chắn được chứng chỉ sơ cấp nghề mà bạn được cấp có hiệu lực hay không thì nó phụ thuộc vào người cấp có thẩm quyền hay không. Chính vì vậy mà chúng ta có cách kiểm tra thứ hai dưới đây.
- Kiểm tra giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề của cơ sở đạo tạo: Đây là phương pháp kiểm tra chắc chắn nhất bởi văn bản này chứng minh rằng cơ sở đào tạo này đủ điều kiện đào tạo và cấp chứng chỉ sơ cấp các ngành nghề nào. Tuy nhiên, đây là thông tin mang tính nhạy cảm, quan trọng nên sẽ có rất ít cơ sở cung cấp cho các bạn. Ngược lại, nếu cơ sở đào tạo nào có thể cung cấp được giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề thì chắc chắn bạn sẽ không phải đặc dấu hỏi chấm về tính hợp pháp của chứng chỉ sơ cấp nghề do cơ sở đó cấp nữa.
Có thể bạn quan tâm
Tuyển Sinh Khóa học Gội Đầu Dưỡng Sinh Chuẩn Đài Loan
Khóa học phun xăm cơ bản cho người mới bắt đầu tại Hà Nội ngày 6/6 có gì?
Khai giảng lớp phun xăm thẩm mỹ cơ bản cho người mới bắt đầu tại Hà Nội
TOP 5 nghề có thu nhập cao, kiếm việc dễ hiện nay
Kỷ niệm từ thiện cuối năm 2020 của học viện Winnie
Chúc mừng Nguyệt Anh Spa khai trương hồng phát